BÀI DỰ THI CUỘC THI VIẾT CHỦ ĐỀ “CUỐN SÁCH TÔI YÊU”
Họ và tên: Cà Thụy Hoài Thương
Ngày tháng năm sinh: 28/08/2002
MSSV: 2011499
Lớp: CHK44
Khoa: Nông Lâm
Những cuốn sách ta đã đọc cũng giống như những người đã vô tình lướt qua đời ta, có người vô tình lướt qua rồi cùng ta trải qua những khoảng khắc thanh xuân tuyệt đẹp và rồi biến mất như pháo hoa tàn, cũng có người đến bên và đồng hành cùng ta đi qua bao thăng trầm, đi qua những nhiệt huyết của tuổi trẻ và bên ta trong suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, sách cũng vậy. Có lẽ tôi chẳng thể nhớ nổi tên từng người mà mình đã gặp và đồng hành cùng mình cũng như việc nhớ nổi nội dung từng cuốn sách mà mình đã đọc, chỉ có những thứ đáng quý nhất mang lại nhiều kỉ niệm nhất mới khiến con người ta vương vấn mãi không quên. Và nếu ai đó hỏi tôi về cuốn sách hay nhất, đáng để đọc nhất hoặc cuốn sách giúp làm giàu nào đó chắc chắn tôi chẳng thể tài nào trả lời được nhưng nếu ai đó hỏi tôi về cuốn sách tôi yêu thích nhất và có tác động tích cực, truyền cảm hứng cho tôi nhiều nhất chắc chắn tôi sẽ trả lời đó là cuốn sách: “Đường ngược chiều: Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus” của tác giả Chảo Yến. Vậy tại sao lại là cuốn sách “Đường ngược chiều: Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus” mà không phải bất kì cuốn sách khác? Với tôi là vì đây là câu chuyện chân thật của một người trẻ đã và đang sống bằng tất cả niềm tin, nghị lực, dám sống dám theo đuổi đam mê dám cống hiến và đang trên con đường nỗ lực góp phần làm thay đổi bộ mặt cho vùng quê nghèo của mình, một người truyền cảm hứng sống cho tôi rất nhiều.
“Đường ngược chiều: Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus” là cuốn tự truyện về hành trình vượt khó, vươn lên của tác giả Chảo Yến – cô gái người Dao Tuyển đã giành học bổng Erasmus, là người đầu tiên của xã Bát Xát (tỉnh Lào Cai) – một xã biên giới đặc biệt khó khăn học đại học và cũng là người đầu tiên của xã này dành được học bổng du học Châu Âu trong sự vỡ òa hạnh phúc. Hành trình từ bản người Dao đến học bổng Erasmus bắt đầu bằng tuổi thơ cơ cực nhưng tràn đầy sự vô tư, hồn nhiên của Chảo Yến và bao đứa trẻ vùng cao khác. Tuổi thơ cơ cực ấy ngập tràn niềm vui và cả những trận đòn roi của mẹ vì những trò nghịch ngợm khiến “đàn lợn say”, “cho trâu uống nước xà phòng” hay mải bắt cá quên cả giờ học. Tuổi thơ ấy còn khiến người đọc phải bật khóc khi chứng kiến tuổi thơ cơ cực, cái đói cái nghèo bủa vây những đứa trẻ hồn nhiên khi kẹo và những bữa cơm có thịt là niềm mơ ước xa vời, khi “được” ăn “rau sạch đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn của lợn”, khi những đám trẻ “tranh nhau những khúc mía với đám lợn”. Tuổi thơ ấy cũng đầy ắp kỷ niệm và tiếng cười với ngày đầu tiên đi học, cuộc chiến với những con chữ và việc học tiếng Kinh. “Đường ngược chiều: Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus” còn là bức tranh về cuộc sống ở vùng núi cao Tây Bắc, nơi con người như sống trong lớp màn sương mờ quanh năm bị cái đói, cái nghèo và lạc hậu bủa vây, người lớn trong bản chẳng mấy ai quan tâm tới việc học, với họ học làm gì khi bữa ăn còn chẳng đủ no? Con gái học nhiều làm gì, chỉ cần lo học thêu thùa may vá và lấy chồng là được rồi,... Những định kiến cổ hủ ấy dường như đã ăn sâu vào trong tiềm thức, cùng với bóng đêm của cái đói, cái nghèo luôn chầu chực bủa vây, đã dần dần bóp chết niềm khao khát học của lớp lớp trẻ thơ trong bản và cũng chính chúng tạo nên một con đường ngược chiều cheo leo, gian khổ, chính con đường ngược chiều này đã từng ghì chân, làm chùn bước cô gái Chảo Yến. Tuy nhiên vất vả tôi luyện Chảo Yến thành người quyết tâm, với niềm tin mãnh liệt vào việc học để thoát nghèo. Giống con đường lên đỉnh dốc quanh co, khó đi đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, Chảo Yến như người đi ngược chiều lên đỉnh núi, xung quanh mây mù bao phủ, đi trong sương mù, chẳng thể nhìn thấy gì chỉ biết bản thân cần tiến về phía trước, cố gắng từng chút một, cứ đi, cứ đi, không đi được thì bò lết, rồi cuối cùng sẽ đến, phía trước là bầu trời... và cuối cùng bằng nghị lực, niềm tin mãnh liệt vào tương lai của bản thân và sự ủng hộ của gia đình, Chảo Yến đã vượt lên tất cả, giành được học bổng đi châu Âu và đó mới chỉ là khởi đầu cho những bắt đầu mới, bắt đầu cho một ngày mai tươi sáng...
Qua cuốn sách “Đường ngược chiều: Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus” của tác giả Chảo Yến, tôi tìm thấy được bản thân của những năm tháng ấu thơ hồn nhiên trong sáng, tìm lại chính mình qua những ước mơ lớn lao và tốt đẹp thuở nhỏ, tôi thấy được niềm tin vào cuộc sống và niềm tin vào những điều tốt đẹp, những người tốt luôn hiện hữu trong cuộc đời này như chính Chảo Yến đã gặp những người đã giúp đỡ cô. Và hơn thế nữa, tôi như được tiếp thêm động lực cho con đường thực hiện ước mơ của chính mình, dám “ngược chiều”, dám sống, dám gạt bỏ những định kiến để bước tiếp trên con đường mình chọn để đạt đến thành công. Con đường ngược chiều của tôi và bao người trẻ khác có lẽ không giống con đường ngược chiều của tác giả nhưng tôi tin rằng nếu có niềm tin và bản lĩnh, dù có “đứng trong sương mù” ta cũng sẽ tìm được lối ra, thoát khỏi “màn sương mù” để nhìn ngắm thế giới rực rỡ, đi đến nơi muốn đến, trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân. Vì đời này không ngắn cũng chẳng đủ dài, hãy sống hết mình, dám một lần ngược chiều để theo đuổi đam mê, dám mơ lớn, không hoài phí tuổi trẻ.